ĐIỂM TIN HỘI THẢO CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ LIÊN KHU VỰC “KHOA HỌC DƯỢC” - Thông tin chung - Informations générales - Cổng thông tin Đại Học Dược

ĐIỂM TIN HỘI THẢO CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ LIÊN KHU VỰC “KHOA HỌC DƯỢC” (11/01/2011)

 Với sự tài trợ của Tập đoàn Pierre Fabre, từ ngày 09 – 13/09/2011, tại Đại học Dược Hà Nội, Hà Nội, Việt nam và 14 – 16/09/2011, tại ĐH khoa học sức khỏe, Phnom Penh, Campuchia​.

Với sự tài trợ của Tập đoàn Pierre Fabre, từ ngày 09 – 13/09/2011, tại Đại học Dược Hà Nội, Hà Nội, Việt nam và 14 – 16/09/2011, tại ĐH khoa học sức khỏe, Phnom Penh, Campuchia, Hội thảo về tổ chức đào tạo chương trình thạc sĩ liên khu vực khoa học Dược đã được tổ chức với sự tham gia của Đại diện các trường Đại học Dược CH Pháp, các trường Đại học Dược 3 nước Đông Dương, Đại diện các Vụ Cục Bộ Y Tế và Bộ giáo dục đào tạo, Đại sứ quán CH Pháp, Đại diện tổ chức AUF và Tập đoàn Pierre Fabre. Các bên tham gia hội thảo đã đồng thuận trong tổ chức chương trình đào tạo thạc sĩ khoa học Dược cấp bằng Châu Âu tại khu vực các nước Đông Dương với một số nội dung, mục tiêu, kết quả đầu ra như sau:

1.    Thông tin chung của Chương trình

-       Tên chương trình: Chương trình đào tạo thạc sĩ liên khu vực “Khoa học Dược”

-       Mục tiêu của chương trình: (1) Tăng cường đào tạo Dược sĩ trình độ cao cho 3 nước Đông Dương; (2) Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học cho 3 nước Đông Dương; (3) Thành lập mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm giữa các giảng viên/ nghiên cứu viên Châu Âu – Châu Á.

-       Thời gian triển khai dự án: 2012 – 2016 (tổ chức 3 khóa cao học)

-       Địa điểm triển khai: tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia

-       Cách thức dự kiến tổ chức: Kế hoạch tổ chức 3 khóa ở Đông Dương như sau: Master năm thứ 1 (2012-2013) tổ chức tại Đại học Dược Hà Nội, (2013-2014) tại Campuchia vào (2014-2015) tại Lào. Master năm thứ 2 sẽ tổ chức 3 chuyên ngành cố định cả 3 khóa: Tại Đại học Dược Hà Nội tổ chức chuyên ngành 1 (Đảm bảo chất lượng và Kiểm nghiệm thuốc) do trường Đại học Paris Descartes cấp bằng ; Tại Campuchia tổ chức chuyên ngành 2 (Dược bệnh viện) trường Đại học Aix – Marseille cấp bằng; Tại Lào tổ chức chuyên ngành 3 (Dược cộng đồng) trường Đại học Paul Sabatier – Toulouse III sẽ cấp bằng.

-       Kinh phí dự án:

+ Do Tập đoàn Pierre Fabre, AUF, ĐSQ CH Pháp tại Việt Nam, Lào, Campuchia tài trợ

+ Đóng góp từ các trường hưởng thụ dự án của 3 nước Đông dương

+ Đóng góp của học viên

2.    Kết luận của Hội thảo

2.1. Chương trình giảng dạy và cách thức đánh giá

Chương trình đào tạo thạc sĩ khoa học Dược cấp bằng Châu Âu tại các nước Đông Dương sử dụng khung chương trình hiện đang áp dụng chính thức trong đào tạo thạc sĩ tại các trường ĐH Paris Descarts, Aix –Marseille và Paul Sabatier – Toulouse III của Cộng hòa Pháp. Từ năm thứ 2, sinh viên được tuyển chọn tham dự chương trình sẽ ghi danh đăng ký học và có tên chính thức trong danh sách học viên cao học của các trường phía Pháp tùy thuộc chuyên ngành sinh viên lựa chọn. Bằng được cấp trong chương trình được chấp nhận trong chương trình đào tạo sau đại học của tất cả các nước thuộc khối EU.

Hội thảo đã thống nhất nội dung giảng dạy do các trường Cộng hòa Pháp xây dựng.

2.2. Hình thức tổ chức đào tạo

Mỗi trường châu Á đứng ra tổ chức giảng dạy sẽ tự quyết định kế hoạch giảng dạy phù hợp với kế hoạch nghỉ lễ của từng nước. M1 sẽ học 15 môn, 1 môn học 1 tuần. Hội đồng giảng dạy sẽ thống nhất cách đánh giá và thời gian đánh giá học viên sau khi kết thúc các môn học.

Một số các môn học có thể sẽ được đào tạo trực tuyến từ xa. Các trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình sẽ được tham khảo và thống nhất với các trường Đại học Pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo như chương trình Thạc sĩ tại châu Âu.

Kỳ thực tập thứ 4 trong năm thứ 2 của chương trình, học viên sẽ có 6 tháng thực tập tại các cơ sở thực tập của một trong 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia hay cộng hòa Pháp tùy theo chuyên ngành và khả năng của học viên. Tiêu chuẩn lựa chọn cơ sở thực tập, nội dung thực tập phải được đảm bảo thông qua từ phía các giáo sư Pháp.

 

2.3. Ngôn ngữ giảng dạy

            Tiếng Pháp

2.4. Giảng viên

Các giảng viên Pháp giảng dạy chính thức, giảng viên châu Á trợ giảng, cùng tham gia xây dựng bài giảng chi tiết với các giảng viên Pháp. Hội đồng giảng dạy của chương trình và phía các trường Pháp sẽ duyệt danh sách các giảng viên này để đảm bảo chất lượng tương đương đào tạo tại Pháp.

2.5. Tiêu chí lựa chọn học viên và hình thức tuyển sinh

Sinh viên chính thức tham gia chương trình phải tốt nghiệp Đại học Dược.

Hồ sơ tuyển chọn các sinh viên sẽ bao gồm (1) CV trình bày kinh nghiệm, năm tốt nghiệp, kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu khoa học đã có và kinh nghiệm về tiếng Pháp; (2) Thư xin học thể hiện rõ nguyện vọng của sinh viên; (3) Bảng điểm các môn học.

Các trường phía châu Á sẽ thu thập danh sách và hồ sơ sinh viên, dự kiến danh sách đầu tiên là 30/11, và có thể bổ sung danh sách sau này. Hội đồng giảng dạy của chương trình sẽ quyết định, theo kế hoạch của chương trình.

2.6. Quyền lợi của học viên

Sinh viên Việt Nam được chọn vào chương trình có thể nhận được hỗ trợ học tăng cường tiếng Pháp tại l’Espace.

Học viên các tỉnh xa có thể nhận được hỗ trợ đi lại và ăn ở trong thời gian học.

Học viên Việt Nam theo học 2 chuyên ngành (của M2) tại Lào và Campuchia sẽ được hỗ trợ đi lại và ăn ở từ chương trình.

Học viên kết thúc M1 tại 3 nước thuộc chương trình này có thể có cơ hội (nếu đủ điều kiện) xin học M2 tại các trường cộng hòa Pháp.

Học viên được đào tạo theo chương trình đào tạo Thạc sĩ chuẩn tại 3 trường của Pháp và bằng tiếng Pháp.

Kết thúc năm học thứ nhất, học viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành các môn học và có giá trị tương đương chứng nhận kết thúc Maser 1 của Pháp.

Kết thúc năm thứ 2, học viên hoàn thành khóa học sẽ được cấp bằng Thạc sĩ từ chính các trường Pháp tùy theo chuyên ngành.

Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam sẽ tài trợ 04 học bổng thực tập tại cộng hòa Pháp (ở học kỳ 4) cho 04 học viên (Việt Nam) xuất sắc của chương trình.

2.7. Quyền lợi của các trường hưởng thụ dự án khối Đông Dương

Tham gia vào chương trình đào tạo để cập nhật chương trình, đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học của các trường và nâng cao uy tín trong nước và trong khu vực.

2.8. Trách nhiệm của các trường phía CH Pháp

Cung cấp các cơ sở pháp lý về trường, chương trình và giảng viên để các trường 3 nước Đông Dương làm thủ tục hợp pháp cho chương trình ở 3 nước sở tại, cử các giảng viên đủ tiêu chuẩn tham dự chương trình, đồng tổ chức tuyển chọn học viên, thực hiện đào tạo, đánh giá theo quy định và cấp bằng Thạc sĩ chính thức của 3 trường phía Cộng hòa Pháp.

2.9. Các hoạt động khác để chuẩn bị cho chương trình

 Phía Pháp đã cử 01 người Pháp (Sebastien) làm thư ký cho chương trình, thư ký sẽ ở VN trong thời gian này để cùng xây dựng và hoàn thành kế hoạch các nội dung tổ chức của chương trình. Phía Pierre Fabre sẽ lập 1 trang web về chương trình này để thông báo chính thức các nội dung cụ thể liên quan đến chương trình.

Các trường đã cử ra 01 cán bộ làm đầu mối để các bên có thể hoàn thành được đầy đủ các thủ tục pháp lý. Các trường rà soát lại danh sách các tài liệu phía Việt Nam cần (đã gửi cho các trường) gửi lại sớm nhất để có thể hoàn thiện Hồ sơ xin phép các cơ quan các cấp có thẩm quyền cho phép mở chính thức chương trình này

 

Các tin đã đưa ngày: